Đề xuất chuyển nhà ở thương mại tồn đọng sang nhà ở xã hội

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất nhiều điểm mới để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển.

Đề xuất chuyển nhà ở thương mại tồn đọng sang nhà ở xã hội
Đề xuất nhiều điểm mới phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Trần Tuấn

Theo kế hoạch đến năm 2030 hoàn thành 1,06 triệu căn nhà ở xã hội; trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.000 căn. (Theo đề án 01 triệu căn nhà ở xã hội kèm theo Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3.4.2023).

Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu đề ra mới chỉ hoàn thành một phần rất nhỏ, nguyên nhân do quá trình triển khai đề án còn gặp nhiều vướng mắc, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng.

Để sớm thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất nhiều điểm mới để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển.

Theo đó, các Bộ, ngành cần tập trung ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng nhà ở xã hội cho thuê; nguồn tín dụng cho vay dự án nhà ở xã hội; sửa các văn bản liên quan thủ tục hành chính; thống nhất đồng bộ cơ chế, chính sách.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp dự án bất động sản và người mua nhà thuận lợi tiếp cận nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay cả hai khâu bao gồm gói 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư. Và cho vay với các dự án bất động sản dở dang, sắp hoàn thành.

Đồng thời xác định tín dụng phát triển nhà ở xã hội là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương.

Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh bổ sung kế hoạch ngân sách cho 2021-2025 và xây dựng dự toán ngân sách hàng năm đối với dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư, kèm theo cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương thu hút các nguồn vốn nước ngoài.

Tập trung một số trọng tâm để thông qua HĐND trong kỳ họp. Điều chỉnh, bổ sung đồng bộ nhiều nội dung. Trong đó, khi lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải quy hoạch xác định rõ diện tích xây dựng nhà ở xã hội địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện.

Điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó cụ thể về số lượng, chỉ tiêu nhà ở xã hội 2024-2025 và công khai danh mục dự án đầu tư nhà ở xã hội độc lập để nhà đầu tư đăng ký.

TS. Nguyễn Văn Khôi cho rằng, cần tập trung rà soát lại quy hoạch; bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho nhà ở xã hội. Rà soát quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội và làm việc với chủ đầu tư để giải quyết các dự án nhà thương mại tồn đọng. Nếu có thể cho điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Bố trí ngân sách, một số cơ chế chính sách đặc thù của địa phương cho phát triển nhà ở xã hội huy động các nguồn vốn, kể cả vốn đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng một số dự án nhà ở xã hội và tiến độ lựa chọn chủ đầu tư của các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Bộ Tài chính. Ban hành quy trình thủ tục đầu tư hành chính phát triển nhà ở xã hội với mục tiêu giảm khâu hành chính không cần thiết, giảm thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch đến giao đất; thời gian thẩm định, duyệt giá và trả lời danh sách người được mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư gửi.

Thường xuyên báo cáo Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện dự án nhà ở xã hội, đề xuất, kiến nghị.

Nguồn: Laodong.vn